(LĐ) - Trong khi mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010 chưa kết thúc, những khởi động cho mùa tuyển sinh năm sau dường như đã bắt đầu.
Lại phát sinh phương án mớiKhông lâu sau khi Bộ GDĐT vẫn quyết định chưa thực hiện phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia mà vẫn duy trì riêng rẽ hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trong năm 2011, mới đây bộ lại gây xôn xao khi dự kiến một số thay đổi trong kỳ thi tuyển sinh. Điều này được Thứ trưởng Bùi Văn Ga đưa ra tại hội nghị tổng kết năm học 2009 - 2010 khối giáo dục ĐH - vừa được Bộ GDĐT tổ chức đầu tháng 9 này. Theo đó thì trong năm học tới, bộ sẽ tổ chức các cuộc hội thảo rộng rãi để tìm ra phương án tuyển sinh hợp lý. Một phương án mới mà ông Ga nêu ra là có thể chỉ tổ chức thi một lần với một số môn quy định.
Phương án nào là hợp lý cho việc tuyển sinh? Ảnh: Kỳ Anh
Ví dụ, các trường CĐ không nhất thiết phải thi mà chỉ lấy kết quả thi ĐH để xét tuyển; hoặc hiện ĐH đang thi riêng các khối A, B, C, D, có thể sau này sẽ thi chung một khối với số môn thi tăng lên để thí sinh (TS) tự chọn. Như vậy, thay vì ba đợt thi như hiện nay thì chỉ cần một đợt thi để có kết quả xét tuyển vào tất cả các trường. Theo ông Ga, nếu chỉ còn một đợt thi thì gánh nặng đối với gia đình và xã hội sẽ giảm đi. Tuy nhiên, ông Ga nhấn mạnh đây mới chỉ là dự kiến, cũng như bộ chưa từ bỏ phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Ông Ga cũng cho rằng, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ là tuyển chọn nhân tài vào các trường nên cần phải duy trì. Dù sau này nếu còn một kỳ thi tốt nghiệp THPT thì các trường ĐH có yêu cầu cao vẫn phải có một kỳ kiểm tra phụ để tuyển chọn TS cho phù hợp với trường mình, vì mỗi ngành nghề đào tạo đều có những yêu cầu khác nhau.
Trước nhiều ý kiến đề nghị giao tự chủ cho các trường trong tuyển sinh ĐH, ông Ga cho rằng “trong giai đoạn này là không nên. Việc tuyển sinh như hiện nay là “êm” rồi, nếu giao cho các trường tự tổ chức thi thì sẽ rất phức tạp. Việc xóa bỏ bộ giao chỉ tiêu tuyển sinh, để các trường tự quyết cũng không được đặt ra, vì “Bộ GDĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh hiện nay dựa trên năng lực của các trường. Nếu để trường tự tuyển ồ ạt thì rất khó trong việc đảm bảo chất lượng”.
Không thể bỏ điểm sànĐây là khẳng định của Thứ trưởng Bùi Văn Ga. Ngày 11.8, sau 3 ngày Bộ GDĐT họp công bố điểm sàn, Hiệp hội các Trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, đề nghị bỏ điểm sàn. Mặc dù theo Hội đồng điểm sàn của bộ, khi xác định điểm sàn hội đồng có tính toán đến những yếu tố như vùng miền, ngành nghề khó tuyển, đến những trường/ngành đặc thù, hoặc phải đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực đặc biệt cho một số địa bàn.
Tuy nhiên, Hiệp hội các Trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam nhìn nhận: Ở bình diện cả nước, số TS đạt điểm sàn có thừa so với chỉ tiêu cần tuyển, nhưng thực tế nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Mặt khác, nhiều TS đạt điểm cao không được học vì không có điều kiện di chuyển đến vùng, miền khác. Hiệp hội cho rằng, cơ chế tuyển sinh hiện hành khó thỏa mãn việc đào tạo nhân lực cho những vùng miền chậm phát triển giáo dục phổ thông. Do đó, hiệp hội kiến nghị bộ xem xét bỏ điểm sàn. Ông Ga giải thích lý do điểm sàn không thể bỏ được vì điểm sàn chung là điều kiện cần thiết để kiểm tra chất lượng đầu vào. Nếu bỏ điểm sàn thì tất cả TS sẽ vào học ĐH, CĐ hết thì rất khó kiểm soát chất lượng. Hiện nay, điểm sàn Bộ GDĐT đã tính toán đảm bảo nguồn tuyển cho các trường.
Các trường khó tuyển xin được vận dụng quy chế để hạ điểm tuyển. Tin từ Bộ GDĐT ngày 6.9 cho biết, hiện đã có trên 10 trường ĐH đề nghị được vận dụng điều 33 Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy trong việc xét tuyển. Những trường này đều thuộc các vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, một số trường đóng tại Quảng Nam cũng xin vận dụng điều này nhằm đào tạo nhân lực cho địa phương.
Ngân Anh